Nghị quyết 68-NQ/TW: Hóa giải “điểm nghẽn” trên thị trường bất động sản
Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 4/5/2025 về phát triển kinh tế tư nhân đã đưa ra nhiều định hướng và giải pháp mang tính đột phá, góp phần tái xác lập vai trò và vị thế của khu vực này trong nền kinh tế quốc dân.
Với tư cách là một cấu phần quan trọng trong khối kinh tế tư nhân, lĩnh vực bất động sản sẽ được hưởng lợi đáng kể từ những thay đổi tích cực trong cách tiếp cận và thiết kế chính sách.
Các chuyên gia nhận định, khi kinh tế tư nhân được khơi thông nguồn lực, bảo đảm môi trường kinh doanh bình đẳng và ổn định, doanh nghiệp bất động sản sẽ có điều kiện phát triển mạnh mẽ, góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng bền vững của thị trường bất động sản nói riêng và nền kinh tế nói chung. Xác định rõ vai trò của kinh tế tư nhân, Nghị quyết 68-NQ/TW nêu rõ, đây là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia. Sau gần 40 năm đổi mới, kinh tế tư nhân đã từng bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, trở thành một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.Khu vực kinh tế tư nhân hiện có khoảng hơn 940 nghìn doanh nghiệp và hơn 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động, đóng góp khoảng 50% GDP, hơn 30% tổng thu ngân sách nhà nước và sử dụng khoảng 82% tổng số lao động vào tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm. Đây là lực lượng quan trọng thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần xóa đói, giảm nghèo, ổn định đời sống xã hội. Nhiều doanh nghiệp tư nhân đã phát triển lớn mạnh, khẳng định thương hiệu và vươn ra thị trường khu vực, thế giới.
Doanh nghiệp bất động sản cũng chính là một thành phần đặc biệt quan trọng trong khối kinh tế tư nhân. Trên thực tế, doanh nghiệp bất động sản đóng vai trò dẫn dắt trong nhiều trục phát triển, từ đô thị hóa, hạ tầng, công nghiệp, thương mại đến du lịch và dịch vụ. Thông qua đầu tư vào các khu đô thị mới, khu công nghiệp, cụm du lịch nghỉ dưỡng, doanh nghiệp bất động đã "thay da đổi thịt" cho các vùng đất và tái cấu trúc không gian kinh tế, xã hội, góp phần phân bổ lại dân cư, lao động và nguồn lực phát triển.Không chỉ trực tiếp tạo ra giá trị gia tăng, hoạt động của các doanh nghiệp bất động sản tư nhân còn kéo theo nhu cầu của hơn 40 ngành, nghề liên quan như xây dựng, vật liệu, tài chính - ngân hàng, lao động và tiêu dùng. Đây là khu vực đã và đang góp phần giải quyết hàng triệu việc làm, đồng thời là đầu tàu trong đóng góp ngân sách nhà nước. Đặc biệt, trong top 10 tập đoàn tư nhân đa ngành nộp thuế lớn nhất năm 2024, có đến 3 doanh nghiệp có lĩnh vực cốt lõi là bất động sản. Thuế, phí từ giao dịch và các dự án bất động sản cũng luôn là nguồn thu trọng yếu của ngân sách nhiều địa phương, đóng góp vào ngân sách nhà nước. Các chuyên gia khẳng định, phát triển thị trường bất động sản chính là một trong những động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, theo phản ánh của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), hiện thị trường quan trọng này đang bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế, không chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp mà còn làm suy giảm niềm tin của thị trường. Từ đó, có nguy cơ tác động tiêu cực đến sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản nói riêng và nền kinh tế nói chung. VARS dẫn chứng, hàng loạt doanh nghiệp, trong đó có nhiều doanh nghiệp tư nhân đầu tàu đang gặp khó khăn vì các dự án bị tạm dừng hoặc đình trệ do các nguyên nhân khách quan, như vướng mắc pháp lý, thủ tục hành chính chồng chéo, thời gian phê duyệt, giải phóng mặt bằng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chậm... Do đó, Nghị quyết 68-NQ/TW được đón nhận như một luông sinh khí mới; được kỳ vọng sẽ tạo ra sự thay đổi mang tính bước ngoặt cho khối kinh tế tư nhân, đồng thời cũng mang đến cơ hội bứt phá do doanh nghiệp cũng như thị trường bất động sản Việt Nam trong trung và dài hạn. Ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch VARS khẳng định, những giải pháp được đề cập trong Nghị quyết đóng vai trò quan trọng trong việc mở đường, tiếp thêm niềm tin và động lực để doanh nghiệp bất dộng sản tư nhân phát triển, đồng thời được kỳ vọng sẽ trở thành yếu tố giúp khơi thông nguồn cung, hỗ trợ thị trường phát triển theo hướng an toàn, lành mạnh, bền vững. Nghị quyết 68-NQ/TW không chỉ khẳng định vai trò trung tâm của kinh tế tư nhân, mà còn mở ra một hành lang cơ chế thông thoáng, minh bạch và hiệu quả để doanh nghiệp tư nhân; trong đó có các doanh nghiệp bất động sản phát triển mạnh mẽ, đóng góp sâu rộng hơn vào tiến trình hiện đại hóa quốc gia. Những định hướng mới này có thể tạo ra cú huých chính sách mạnh mẽ, góp phần tháo gỡ rào cản pháp lý và tạo niềm tin cho thị trường, đặc biệt là trong giai đoạn phục hồi và tái cấu trúc hiện nay. Cụ thể, Nghị quyết 68-NQ/TW đặt ra một số nhiệm vụ, giải pháp đáng chú ý đối với thị trường – VARS nhận xét.
Trước tiên nhiệm vụ đặt ra trong năm 2025 là hoàn thành việc rà soát, loại bỏ những điều kiện kinh doanh không cần thiết, quy định chồng chéo, không phù hợp, cản trở sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân; thực hiện cắt giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, ít nhất 30% chi phí tuân thủ pháp luật, ít nhất 30% điều kiện kinh doanh và tiếp tục cắt giảm mạnh trong những năm tiếp theo. Tiếp đó, Nghị quyết yêu cầu có cơ chế, chính sách phù hợp kiểm soát biến động giá đất, đặc biệt là giá đất sản xuất kinh doanh, phi nông nghiệp, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư, sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp. Mục tiêu chậm nhất trong năm 2025, hoàn thành xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai kết nối với Trung tâm dữ liệu quốc gia và các cơ sở dữ liệu có liên quan. Từ đó, thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực đất đai; công khai, minh bạch và chủ động cung cấp thông tin tới doanh nghiệp; giảm thiểu thời gian giải quyết thủ tục thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; hỗ trợ tích cực trong giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, Nghị quyết cũng nhấn mạnh việc tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án vướng thủ tục, chậm tiến độ; đưa vào khai thác nguồn lực đất đai bị lãng phí, đất công, trụ sở cơ quan không sử dụng, đất trong các vụ việc tranh chấp kéo dài. Đặc biệt, Nghị quyết cũng đặt ra nhiệm vụ, giải pháp là đẩy mạnh và đa dạng hóa nguồn vốn cho kinh tế tư nhân; trong đó có các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản. Điển hình như việc đẩy mạnh phát triển tín dụng xanh hay Nhà nước có cơ chế hỗ trợ lãi suất và khuyến khích các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho doanh nghiệp tư nhân vay để triển khai các dự án xanh, tuần hoàn và áp dụng khung tiêu chuẩn môi trường, xã hội, quản trị (ESG)… Các chuyên gia của VARS nhận xét, những điểm trên đã đi thẳng vào tháo gỡ “điểm nghẽn của điểm nghẽn”. Việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết 68, kết hợp với chủ trương sáp nhập, tinh giản bộ máy, nếu được triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả, sẽ tạo nên một cuộc cách mạng về cơ chế thực sự, giúp tháo gỡ nhanh hơn và rút ngắn hơn quy trình xử lý thủ tục cho các dự án phát triển. Điều này chắc chắn sẽ giúp số lượng dự án được phê duyệt tăng lên. Đặc biệt, việc đẩy nhanh và mạnh hoàn thành xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai kết nối với Trung tâm dữ liệu quốc gia và các cơ sở dữ liệu có liên quan, hướng tới thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực đất đai sẽ là nền tảng quan trọng giúp nâng cao khả năng định giá chính xác cho tất cả các cấu phần tham gia thị trường. Khi toàn bộ thông tin về thửa đất, quy hoạch, lịch sử giao dịch và hiện trạng pháp lý được chuẩn hóa, số hóa và công khai, thị trường sẽ có cơ sở để định giá tài sản dựa trên dữ liệu thực tế. Từ đó gỡ vướng cho hàng loạt dự án quan trọng. Trong ngắn hạn, có thể xuất hiện tình trạng chậm giải quyết hồ sơ do chờ đợi chuyển giao và tinh gọn bộ máy. Nhưng trong trung và dài hạn, khi bộ máy được vận hành ổn định, các thủ tục sẽ được rút ngắn, quy trình phê duyệt và phát triển dự án sẽ trở nên minh bạch, rõ ràng và hiệu quả hơn. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh thị trường đang cần được “giải nén” về nguồn cung, nhất là những dự án nhà ở có giá phù hợp, dự án nhà ở theo tinh thần ưu tiên của Đảng và Nhà nước. Với nguồn cung tăng lên theo hướng đa dạng sản phẩm, phân khúc hơn, thì tình trạng lệch pha cung - cầu cũng sẽ được cải thiện, mặt bằng giá bất động sản sẽ có điều kiện điều chỉnh theo hướng phù hợp hơn. Đồng thời, khi bộ máy được vận hành ổn định, quá trình cấp phép, phê duyệt, giải phóng mặt bằng được rút gọn, doanh nghiệp phát triển dự án sẽ tiết kiệm được thời gian thực hiện với chi phí hành chính, chi phí tài chính và chi phí cơ hội giảm đáng kể, tạo điều kiện để các chủ đầu tư xác định giá bán theo hướng ưu đãi, phù hợp hơn với khả năng tài chính của phần đông người dân. Khi đó, giao dịch trên thị trường sẽ diễn ra sôi động hơn. Các hiện tượng đầu cơ, tạo khan hiếm giả và thao túng giá dần bị loại bỏ, góp phần ổn định niềm tin của nhà đầu tư và người dân. Từ đó, sức hấp dẫn của thị trường sẽ được củng cố, thúc đẩy dòng vốn đầu tư quay trở lại, trở thành động lực hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và kích thích các hoạt động sản xuất – kinh doanh liên quan – VARS phân tích.
Tin liên quan
-
Bất động sản
Doanh nghiệp bất động sản đặt kỳ vọng lớn vào Nghị quyết 68-NQ/TW
14:50' - 09/05/2025
Các doanh nghiệp bất động sản kỳ vọng Nghị quyết 68 mở ra cơ hội thay đổi toàn diện cơ chế định giá. Khi triển khai đồng bộ, minh bạch sẽ là cải tổ toàn diện cơ chế định giá đất trong thời gian tới.
-
Tài chính
Lao động được hỗ trợ theo Nghị quyết 68 nhưng đã về quê được chi trả thế nào?
08:09' - 22/10/2021
Tại Đồng Nai, một số người lao động đã có quyết định hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, nhưng đã rời khỏi nơi cư trú về quê nên chưa nhận được tiền hỗ trợ.
-
Kinh tế Việt Nam
Những điểm sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 68 hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động
15:16' - 14/10/2021
Nghị quyết 126/NQ-CP của Chính phủ vừa ban hành sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Tin cùng chuyên mục
-
Bất động sản
Khách sạn và căn hộ dịch vụ hưởng lợi nhờ du lịch phục hồi mạnh
15:59' - 27/07/2025
Sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch đã tạo ra những tác động đáng kể đối với lĩnh vực bất động sản.
-
Bất động sản
Triển vọng tích cực về thị trường bất động sản miền Trung
12:35' - 27/07/2025
Thị trường bất động sản Đà Nẵng được đánh giá đang có triển vọng tích cực, được thúc đẩy mạnh mẽ bởi sự phục hồi kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài và sự bùng nổ của ngành du lịch.
-
Bất động sản
Chung cư cao 34 tầng tại TP. Hồ Chí Minh xuất hiện vết nứt gãy lớn
20:10' - 26/07/2025
UBND phường Tam Thắng (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, ngày 25/7, phường đã có văn bản báo cáo Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh về vết nứt gãy tại chung cư PVC-IC Diamond.
-
Bất động sản
Số dự án nhà ở xã hội hoàn thành, khởi công đạt gần 60% chỉ tiêu
19:26' - 26/07/2025
Tính đến thời điểm cuối tháng 7, số lượng dự án đã hoàn thành, khởi công, chấp thuận chủ trương đầu tư đến năm 2025 trong cả nước đạt 59,6%.
-
Bất động sản
Cảnh báo đào tạo “chui” ảnh hưởng đến chất lượng môi giới bất động sản
17:50' - 26/07/2025
Tình trạng đào tạo “chui”, thu tiền thật – học giả trong cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng nguồn nhân lực của ngành.
-
Bất động sản
Điều chỉnh chỉ tiêu nhà ở xã hội: Không chạy theo số lượng, ưu tiên thực chất
21:18' - 25/07/2025
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu điều chỉnh chỉ tiêu nhà ở xã hội sát năng lực từng địa phương, bổ sung cách tính linh hoạt, đảm bảo hoàn thành 1 triệu căn vào năm 2030 như cam kết.
-
Bất động sản
Bất động sản TP. Hồ Chí Minh: Giao dịch tập trung vào dự án có tính pháp lý minh bạch
21:17' - 25/07/2025
Trong hai tháng 6 và 7/2025, thị trường bất động sản tại các phường mới sáp nhập giữa TP. Hồ Chí Minh và Bình Dương cũ ghi nhận tín hiệu sôi động giao dịch.
-
Bất động sản
Thị trường văn phòng phục hồi tích cực, văn phòng xanh lên ngôi
19:05' - 25/07/2025
Thị trường văn phòng Việt Nam duy trì đà phục hồi tích cực với nhu cầu thuê ổn định và xu hướng chuyển dịch sang không gian chất lượng cao, phát triển bền vững, linh hoạt và tích hợp đa chức năng.
-
Bất động sản
TP. Hồ Chí Minh đẩy mạnh các cơ chế hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội
19:15' - 24/07/2025
Trong giai đoạn 2021–2025, TP. Hồ Chí Minh đặt mục tiêu xây dựng 199.000 căn nhà ở xã hội. Tuy nhiên, đến nay, số lượng dự án triển khai và số căn hộ hoàn thành vẫn còn khiêm tốn.