Giải mã dòng chảy của vàng
Giá vàng thế giới đã chính thức vượt ngưỡng 3.000 USD/ounce trong phiên giao dịch ngày 14/3, khi nhà đầu tư đổ xô tìm đến các tài sản an toàn giữa những bất ổn địa chính trị và lo ngại về cuộc chiến thương mại do Mỹ khởi động dưới thời Tổng thống Donald Trump. Tính từ đầu năm nay, giá vàng giao ngay đã tăng gần 14%. Nguyên nhân phần lớn là do lo ngại về ảnh hưởng của các biện pháp thuế quan và sự suy yếu của thị trường chứng khoán. Nhu cầu vàng của các ngân hàng trung ương tiếp tục mạnh mẽ cũng góp phần củng cố đà tăng của giá vàng.
Giải mã dòng chảy của vàng, tạp chí Le Monde diplomatique của Pháp nhận định, trong một phần tư thế kỷ, giá kim loại quý này đã tăng gấp 10 lần. Mặc dù tính chất bất thường của thị trường tài chính không loại trừ khả năng giá vàng sẽ giảm trong tương lai gần, nhưng việc các ngân hàng trung ương mua vào hàng loạt đã khiến giá vàng liên tục được duy trì ở mức cao. Đó là chưa kể triển vọng suy giảm của đồng USD giúp cho vàng vẫn là sự lựa chọn an toàn.Ngay từ giữa tháng Hai vừa qua, các nhà đầu tư trên thị trường vàng toàn cầu đã đặt câu hỏi: liệu giá mỗi ounce (31,104 gram) vàng, khi đó dao động quanh mức 2.800 USD, sẽ đột ngột giảm hay ngược lại, sẽ vượt ngưỡng 3.000 USD? Trên thực tế, ngưỡng giá mang tính biểu tượng này cuối cùng cũng đã bị chinh phục. Đối với người muốn đầu cơ hoặc bảo vệ tiền tiết kiệm của mình, việc đưa ra câu trả lời đòi hỏi phải xem xét nhiều yếu tố đánh giá.Phải chăng tình hình địa chính trị đã xấu đi kể từ khi ông Trump trở lại Nhà Trắng, khiến vàng tăng giá? Hay là do giá trị đồng USD giảm? Cần nhắc lại rằng vàng chỉ có giá 1.947 USD/ounce cách đây một năm, trước khi tăng lên đến hơn 3.000 USD trong tuần qua.Theo truyền thống, kim loại quý này luôn được coi là kênh "trú ẩn an toàn" trong bối cảnh thế giới bất ổn hoặc tình hình thị trường chứng khoán biến động. Ví dụ, vào đầu những năm 2000, mỗi ounce vàng chỉ quanh quẩn ở mức 280 USD. Khi đó, người ta chỉ nói về "nền kinh tế mới" và sự bùng nổ của các công ty "dot-com" trên thị trường chứng khoán. Vụ khủng bố ngày 11/9/2001 tại Mỹ đã đảo ngược tình thế. Tiếp theo đó là các cuộc chiến tranh ở Afghanistan, Iraq và liên tiếp nhiều vụ khủng bố ở khắp nơi trên thế giới, đã khiến vàng liên tục phá kỷ lục để đạt mức giá hiện tại.Tuy nhiên, những năm gần đây, giá vàng dường như đã dần tách rời khỏi các yếu tố truyền thống có thể ảnh hưởng đến thị trường, dù đó là lãi suất, mức lạm phát hay giá trị của đồng USD. Ngay cả tình hình địa chính trị cũng có vẻ kém mang tính quyết định hơn đối với thị trường. Ví dụ, các cuộc đụng độ giữa Iran và Israel - mặc dù có thể là màn dạo đầu cho một cuộc chiến tranh quy mô lớn ở Trung Đông - đã không đẩy giá vàng lên đỉnh mới.Hiện nay, sức sống của kim loại quý này và sự tăng vọt của giá vàng không còn có thể được phân tích chỉ với các mô hình của "thế giới trước đây", thế giới mà người phương Tây giàu có thích nắm giữ vàng, dù nó không mang lại lãi suất, khi lợi suất trái phiếu đình trệ ở mức thấp nhất. "Cơn sốt" vàng mà thế giới tài chính đang chứng kiến trong vài năm qua cho thấy sự thay đổi về trật tự cấu trúc toàn cầu. Sự phát triển của giá vàng gợi lên sự suy yếu của khả năng thống trị của đồng USD.Đi ngược dòng lịch sử, người ta còn nhớ rằng việc Tổng thống Richard Nixon từ bỏ khả năng chuyển đổi đồng USD thành vàng vào năm 1971 đã mở đường cho một kỷ nguyên địa chính trị mới, đánh dấu bởi sự thống trị tiền tệ của Mỹ. Qua nhiều năm, và đặc biệt là sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, nhiều quốc gia trong đó có Trung Quốc và Nga đã coi việc chống lại sự thống trị của đồng USD là cấp bách.Tỷ trọng thương mại giao dịch bằng đồng USD, vốn ở mức 71% vào năm 2000, đã giảm xuống 58,4% vào năm 2024. Việc thoát khỏi đô la hóa thương mại đang tăng tốc khi Washington không còn ngần ngại sử dụng USD như một loại vũ khí đánh vào các quốc gia thù địch. Xung đột diễn ra ở Ukraine đã loại Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, cũng như việc tịch thu 300 tỷ USD dự trữ của Nga bằng đồng USD và euro, đã củng cố ý chí của nhiều quốc gia muốn thoát khỏi đồng bạc xanh. Trong hơn 10 năm qua, các thành viên Nhóm các nước mới nổi BRICS không còn giấu giếm mong muốn tìm một một loại phương tiện thanh toán mới thay thế cho đồng USD.Trước thềm hội nghị thượng đỉnh Kazan hồi tháng 10/2024, BRICS+ (BRICS mở rộng) đã thảo luận đề xuất của Nga về việc tạo ra một đơn vị tính toán, có thể là bước đầu tiên hướng tới một đồng tiền chung (một đồng tiền ngoài chức năng đơn vị tính toán, còn phải thực hiện các chức năng của công cụ thanh toán và dự trữ giá trị). Được các nhà thiết kế đặt tên là "The Unity" – BRICS+ đề xuất neo 40% vào giá trị của vàng và 60% vào rổ tiền tệ của các quốc gia BRICS - công cụ này tuy nhiên không được đề cập trong thông cáo cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh BRICS.Dù là để chuẩn bị cho việc tạo ra một cơ chế như vậy hay lo lắng về việc có khoản dự trữ cần được bảo vệ trước các lệnh trừng phạt của Mỹ, các ngân hàng trung ương của BRICS+ và các nước khác tại Nam bán cầu đã làm nóng thị trường kim loại quý.Trong quý II/2024, tài sản chính thức bằng vàng kết hợp của các ngân hàng trung ương BRICS "nguyên bản" và Ai Cập chiếm hơn 20% tổng số kim loại vàng được nắm giữ trong các ngân hàng trung ương trên thế giới. Nga, Ấn Độ và Trung Quốc xếp hạng trong "Top 10" về tài sản vàng. Chính thức, Nga kiểm soát 2.335,85 tấn vàng, khiến nước này trở thành kho dự trữ vàng lớn thứ năm thế giới. Trung Quốc theo sau ở vị trí thứ sáu với 2.264,32 tấn, và Ấn Độ đứng thứ tám với 840,76 tấn. Dự trữ của các Ngân hàng trung ương Brazil và Nam Phi thấp hơn nhiều, lần lượt là 129,65 và 125,44 tấn vàng.Theo ước tính của chuyên gia thị trường vàng Jan Nieuwenhuijs, kể từ khi bắt đầu xung đột Nga-Ukraine, Ngân hàng trung ương Saudi Arabia đã lặng lẽ mua 160 tấn vàng ở Thụy Sĩ. Về phần mình, Trung Quốc được cho là đã bí mật mua 1.600 tấn. Mặc dù những con số này có vẻ không theo kịp dự trữ của Mỹ (hiện ở mức 8.133,5 tấn) hoặc của Đức (3.351,5 tấn), toàn bộ các ngân hàng trung ương của BRICS+ chính thức tích lũy được 8.602 tấn vàng, theo con số được thông báo tại thời điểm hội nghị thượng đỉnh Kazan. Và xu hướng tích lũy có thể sẽ không giảm bớt.Theo một cuộc khảo sát hàng năm được thực hiện vào tháng 6/2024 bởi Hội đồng Vàng Thế giới, gần 60% các ngân hàng trung ương của các nước giàu ước tính rằng tỷ trọng vàng trong dự trữ toàn cầu sẽ tăng trong 5 năm tới, so với mức 38% vào năm ngoái.Về phần mình, khoảng 13% các nền kinh tế tiên tiến dự kiến sẽ tăng dự trữ vàng trong năm nay, so với mức khoảng 8% vào năm ngoái. Cuối cùng, gần 40% các ngân hàng trung ương của các nước mới nổi dự định tăng cường kho dự trữ của họ vào năm 2025. Bằng cách tích lũy kim loại vàng, các nước BRICS+ và cũng như nhiều nước đang phát triển có ý định tự bảo vệ mình khỏi chính trị hóa các kênh tiền tệ. Rõ ràng, hiện tại họ đang đặt cược rằng vàng đại diện cho con đường an toàn nhất.Tin cùng chuyên mục
-
Phân tích - Dự báo
Thị trường chứng khoán Singapore: Chiến lược phục hồi bằng vốn và niềm tin
06:30'
Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) mới đây cho biết khoản đầu tư ban đầu 1,1 tỷ SGD (0,86 tỷ USD) sẽ được phân bổ cho 3 công ty quản lý tài sản để đầu tư vào thị trường chứng khoán trong nước
-
Phân tích - Dự báo
Liên minh EU – Nhật Bản: Trục quyền lực thầm lặng
05:30'
Mối quan hệ kinh tế giữa Liên minh châu Âu và Nhật Bản đã được thiết lập vững chắc thông qua hiệp định thương mại tự do và đối tác chiến lược có hiệu lực từ năm 2019.
-
Phân tích - Dự báo
Thời kỳ suy thoái ở Đức sắp qua?
06:30' - 27/07/2025
Thế giới đang trở nên phức tạp và phân mảnh hơn, giữa bối cảnh cạnh tranh ngày càng nhiều. Tuy nhiên, Đức có nhiều cơ hội để vươn lên mạnh mẽ từ những thay đổi này.
-
Phân tích - Dự báo
Cách tiếp cận chiến lược của Nhật Bản đối với đồng yen kỹ thuật số
05:30' - 27/07/2025
Kể từ đại dịch COVID-19, những người tiêu dùng Nhật Bản trẻ tuổi, am hiểu công nghệ đang dần chuyển từ tiêu dùng bằng tiền mặt sang thanh toán không dùng tiền mặt.
-
Phân tích - Dự báo
Những đánh đổi trong cuộc đua năng lượng xanh
06:30' - 26/07/2025
Báo The Guardian dẫn số liệu từ Chính phủ Anh cho biết, hiện có khoảng 1,5 triệu hộ gia đình ở nước này đã lắp đặt pin Mặt Trời, và con số này đang tăng lên.
-
Phân tích - Dự báo
Vì sao Nga vượt Đức, Nhật Bản trong bảng xếp hạng kinh tế toàn cầu?
05:30' - 26/07/2025
Theo dự báo do Ngân hàng Thế giới (WB) vừa phát hành, ước tính Nga vẫn giữ vị trí thứ tư trong danh sách các nền kinh tế lớn nhất thế giới về Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
-
Phân tích - Dự báo
Đàm phán thương mại Hàn Quốc – Mỹ: Áp lực đang gia tăng
06:30' - 25/07/2025
Hàn Quốc đang đứng trước sức ép lớn sau khi Nhật Bản đạt được thỏa thuận thuế quan với Mỹ. Nhiều chuyên gia cho rằng, tình hình hiện nay đòi hỏi nước này cần sớm điều chỉnh "lá bài đàm phán".
-
Phân tích - Dự báo
EU sẵn sàng cho kịch bản xấu nhất trong đàm phán thương mại với Mỹ
06:30' - 25/07/2025
Liên minh châu Âu (EU) từng kỳ vọng sớm đạt thỏa thuận thương mại với Mỹ để giữ mức thuế quan trong tầm kiểm soát, song giờ đây khối này đang chuẩn bị cho một kịch bản đáp trả.
-
Phân tích - Dự báo
Đằng sau “cuộc phiêu lưu tiền điện tử” của Tổng thống Trump
05:30' - 25/07/2025
Tổng thống Trump vừa công bố dự luật “Đạo luật Hướng dẫn và Thiết lập Đổi mới Quốc gia về stablecoin của Mỹ”, có khả năng sẽ tác động sâu rộng đến ngành tài chính toàn cầu và kinh tế Mỹ.