Cách tiếp cận chiến lược của Nhật Bản đối với đồng yen kỹ thuật số

05:30' - 27/07/2025
BNEWS Kể từ đại dịch COVID-19, những người tiêu dùng Nhật Bản trẻ tuổi, am hiểu công nghệ đang dần chuyển từ tiêu dùng bằng tiền mặt sang thanh toán không dùng tiền mặt.

Nhật Bản từ lâu đã nổi tiếng là quốc gia chuộng tiền mặt, nhưng điều đó đang thay đổi nhanh chóng. Từ mức chỉ 13,2% vào năm 2010, thanh toán không dùng tiền mặt trong năm 2024 đã tăng lên tới 42,8% tổng số giao dịch, vượt mục tiêu 40% mà Chính phủ Nhật Bản đặt ra trước một năm.

Để ứng phó với sự thay đổi mạnh mẽ này, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã hợp tác với các công ty tư nhân khởi động một chương trình thí điểm vào năm 2023 để nghiên cứu tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC) – hay còn gọi là đồng yen kỹ thuật số. Mặc dù chưa có quyết định chính thức nào được đưa ra về việc sẽ phát hành CBDC, nhưng các quan chức của Nhật Bản đang đặt nền móng để đảm bảo đồng yen vẫn có giá trị trong một tương lai ngày càng không dùng tiền mặt.

Dân số già hóa và thói quen sử dụng tiền mặt đã ăn sâu khiến Nhật Bản tụt hậu trong lĩnh vực thanh toán kỹ thuật số. Kể từ đại dịch COVID-19, những người tiêu dùng Nhật Bản trẻ tuổi, am hiểu công nghệ đang sử dụng các ứng dụng thanh toán di động. Các nhà hoạch định chính sách hiện coi quá trình chuyển đổi không dùng tiền mặt là yếu tố quan trọng để tăng năng suất, cắt giảm chi phí và hội nhập nền kinh tế Nhật Bản tốt hơn vào thị trường toàn cầu.

 

Tuy nhiên, chỉ khoảng 39,3% chi tiêu tiêu dùng của Nhật Bản là không dùng tiền mặt trong năm 2023 - mức cao kỷ lục đối với Nhật Bản nhưng vẫn thấp so với hơn 80% của Trung Quốc. Quyết tâm bắt kịp Trung Quốc, Chính phủ Nhật Bản đã đặt ra mục tiêu đầy tham vọng là áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt ở mức 80% và đưa ra các ưu đãi, ví dụ như chương trình điểm thưởng.

Trong bối cảnh này, chương trình thí điểm CBDC của BoJ đã trở thành nền tảng cho chiến lược tài chính của Nhật Bản. Kể từ tháng 4/2023, BoJ đã thu hút khoảng 60 tổ chức tham gia thử nghiệm để đánh giá tính khả thi của đồng yen kỹ thuật số. Các nhóm làm việc đang xem xét các khía cạnh công nghệ và pháp lý của đồng yen kỹ thuật số, từ an ninh mạng đến cách đồng yen kỹ thuật số sẽ tích hợp với các mạng lưới thanh toán hiện có.

Khi xem xét những công nghệ tiên tiến như blockchain, các quan chức Nhật Bản lưu ý rằng bất kỳ đồng yen kỹ thuật số nào cũng phải đáng tin cậy và nhanh chóng như những hệ thống thanh toán nội địa hiện tại mà các giải pháp blockchain ngày nay có thể chưa đáp ứng được. Chiến lược tỉ mỉ, mang tính tham vấn này phản ánh cách tiếp cận rất thận trọng của Nhật Bản đối với đổi mới tiền tệ.

Các nhà lãnh đạo BoJ định hình đồng yen kỹ thuật số như một cách để đảm bảo tương lai cho đồng nội tệ, chứ không phải là một sự gián đoạn nhanh chóng. BoJ muốn chuẩn bị mọi thứ một cách sẵn sàng – bao gồm tinh chỉnh công nghệ, bảo mật và đề ra khuôn khổ chính sách ngay từ bây giờ - để khi cần, đồng yen kỹ thuật số có thể được triển khai suôn sẻ.

Hiện Nhật Bản vẫn chưa ấn định thời gian ra mắt đồng yen kỹ thuật số, và có thể phải mất nhiều năm nữa điều này mới diễn ra, tùy thuộc vào thực tế nhu cầu của công chúng và sự đồng thuận chính trị.

Bối cảnh quốc tế cũng đang thúc đẩy các kế hoạch của Nhật Bản. Đồng nhân dân tệ kỹ thuật số (e-CNY) của Trung Quốc đã tăng trưởng vượt bậc. Giao dịch bằng e-CNY đã tăng hơn gấp 3 lần từ giữa năm 2023 đến giữa năm 2024, thể hiện tham vọng dẫn đầu về tiền kỹ thuật số của Bắc Kinh.

BoJ đang tích cực tham gia các diễn đàn toàn cầu như Dự án Agora của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế về khả năng tương tác CBDC xuyên biên giới. Bằng cách góp phần định hình các tiêu chuẩn quốc tế và đảm bảo đồng yen kỹ thuật số trong tương lai có thể hoạt động trơn tru ở nước ngoài, Nhật Bản đặt mục tiêu bảo vệ chủ quyền tiền tệ của mình.

Một đồng yen kỹ thuật số được thiết kế cẩn thận có thể mang lại lợi ích nhưng cũng là thách thức cho các ngân hàng và nhà hoạch định chính sách. Các ngân hàng thương mại lo ngại CBDC có thể thúc đẩy làn sóng rút tiền gửi nếu mọi người có thể nắm giữ tiền trực tiếp tại BoJ.

Các chuyên gia cảnh báo rằng một CBDC được thiết kế kém có thể khiến "dòng tiền chảy ra đột ngột hoặc liên tục" từ những khoản tiền gửi ngân hàng, làm giảm khả năng cho vay của các ngân hàng.

Trong các hệ thống độc tài hơn, ví dụ như ở Trung Quốc, tiền kỹ thuật số đã được sử dụng để giám sát và kiểm soát xã hội, làm dấy lên lo ngại về việc chính phủ lạm dụng. Các vấn đề kỹ thuật như mất điện hoặc vi phạm dữ liệu có thể tạm thời “cắt” nguồn tiền của người dùng, gây ra những lo ngại nghiêm trọng về độ tin cậy.

Nhật Bản đã đề ra chiến lược nhằm tránh những “cái bẫy” này thông qua nhiều biện pháp bảo vệ: duy trì tiền mặt vật lý như một lựa chọn song song, đảm bảo đồng yen kỹ thuật số được bảo vệ quyền riêng tư, sử dụng các ngân hàng tư nhân làm trung gian và giới hạn lượng nắm giữ CBDC cá nhân mà không tính lãi suất đối với đồng yen kỹ thuật số.

Bằng cách neo CBDC vào sự giám sát dân chủ và nhấn mạnh khả năng phục hồi và lựa chọn, Nhật Bản đặt mục tiêu xây dựng niềm tin và tránh gây bất ổn cho hệ thống ngân hàng, đồng thời gặt hái những lợi ích của quá trình số hóa.

Cuối cùng, người tiêu dùng Nhật Bản sẽ định hình số phận của đồng yen kỹ thuật số. Mọi người đã quen với việc đồng yen ổn định và được chấp nhận rộng rãi. Đồng yen kỹ thuật số cũng sẽ như vậy. Việc áp dụng có thể bắt đầu dần dần, nhưng sự tiện lợi là một động lực rất mạnh mẽ.

Nếu đồng yen kỹ thuật số mang lại những lợi ích rõ ràng như thanh toán tức thời miễn phí hoặc thương mại điện tử và chuyển khoản ngang hàng dễ dàng hơn, nhiều người tiêu dùng có thể sẽ thử. Theo thời gian, một CBDC được triển khai tốt có thể đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của Nhật Bản sang một nền kinh tế thực sự ít tiền mặt.

Xét về mặt khu vực, đồng yen kỹ thuật số có thể cân bằng với đồng e-CNY của Trung Quốc, tạo ra một giải pháp thay thế để không một đồng tiền kỹ thuật số đơn lẻ nào thống trị thương mại khu vực và mở đường cho các mạng lưới thanh toán kỹ thuật số kết nối chặt chẽ hơn.

Tuy nhiên, nếu Nhật Bản hành động quá chậm, nước này có nguy cơ chứng kiến vai trò toàn cầu của đồng yen suy giảm khi các quốc gia khác đặt ra những quy tắc về tài chính kỹ thuật số. Sự công nhận đó đang thúc đẩy một sự cân bằng tinh tế — BoJ sẽ không vội vàng đưa đồng yen kỹ thuật số ra thị trường, nhưng cơ quan này đang hành động có mục đích để tránh bị bỏ lại phía sau.

Chương trình thí điểm CBDC là một tuyên bố về ý định rằng Nhật Bản đang chuẩn bị một kỷ nguyên mới cho đồng tiền của mình.

Cách tiếp cận thận trọng và toàn diện của Nhật Bản mang đến một bản thiết kế tiềm năng về cách các quốc gia dân chủ có thể tham gia vào không gian tiền kỹ thuật số mà không phải hy sinh sự ổn định tài chính hoặc quyền tự do dân sự.

Mặc dù có những rủi ro thực sự, nhưng việc Nhật Bản nhấn mạnh vào niềm tin của công chúng, độ tin cậy công nghệ và việc áp dụng dần dần là một hướng đi thận trọng. Đồng yen kỹ thuật số có thể là một ví dụ điển hình về sự đổi mới được thực hiện một cách có trách nhiệm.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục