Thái Nguyên tăng cường kiểm tra, ngăn chặn sữa giả và kém chất lượng

15:01' - 13/05/2025
BNEWS Qua rà soát tại các cơ sở kinh doanh mặt hàng sữa trên địa bàn cho thấy tại mỗi cửa hàng kinh doanh đều có các loại sữa với nhiều nhãn hiệu, mẫu mã, công dụng khác nhau.

Triển khai thực hiện Kế hoạch số 39/KH-QLTT của Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Thái Nguyên, các Đội Quản lý thị trường số 2 và số 3 đã tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các cơ sở kinh doanh thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của ngành công thương; trong đó, chú trọng kiểm tra, rà soát đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh mặt hàng sữa bột.

Thời gian qua, các Đội Quản lý thị trường số 2 và số 3 thuộc Chi cục Quản lý thị trường Thái Nguyên đã tăng cường kiểm tra, rà soát tại các cửa hàng bán lẻ có kinh doanh các loại sữa trên địa bàn quản lý nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh sữa giả, kém chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm…Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật và ký cam kết đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực này.

 

Qua rà soát tại các cơ sở kinh doanh mặt hàng sữa trên địa bàn cho thấy tại mỗi cửa hàng kinh doanh đều có các loại sữa với nhiều nhãn hiệu, mẫu mã, công dụng khác nhau. Từ các nhãn hiệu trong nước đến ngoài nước, không phát hiện cơ sở nào có kinh doanh các sản phẩm sữa nằm trong danh sách các loại sữa giả mà cơ quan Công an phát hiện và xử lý gần đây của hai Công ty cổ phần Dược Quốc tế Rance Pharma, Công ty cổ phần Dinh dưỡng Hacofood.

Tuy nhiên, qua kiểm tra, rà soát Đội Quản lý thị trường số 3 đã phát hiện 4 cơ sở có kinh doanh mặt hàng là thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ (nước ngọt, bánh kẹo các loại); xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt là 10,5 triệu đồng, tiêu huỷ 1.500 sản phẩm thực phẩm với tổng trị giá hơn 13 triệu đồng theo quy định.

Đội Quản lý thị trường số 2 kiểm tra, phát hiện Hộ kinh doanh M.H trên địa bàn quản lý bày bán 19 hộp sữa bột Horizon Organic, 21 lọ sữa nước Pediasure, 4 hộp thực phẩm chức năng Multi Vitamil & Mineral do nước ngoài sản xuất trị giá gần 15 triệu đồng nhưng không xuất trình được bất cứ hóa đơn, chứng từ, giấy tờ, tờ khai hải quan chứng minh tính hợp pháp của nguồn gốc, xuất xứ và đã xử phạt Hộ kinh doanh về hành vi kinh doanh hàng hoá nhập lậu với mức phạt 10 triệu đồng, buộc tiêu huỷ toàn bộ số hàng hoá vi phạm nêu trên theo quy định của pháp luật.

Thời gian tới, các Đội Quản lý thị trường sẽ tiếp tục đẩy mạnh kiểm tra trong "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm" năm 2025; tăng cường quản lý địa bàn, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện kiểm tra, giám sát chặt chẽ, thực hiện tuyên truyền phổ biến pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh thực phẩm trên địa bàn; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục