Nguyên nhân khiến giá điện sinh hoạt tại Mỹ tăng phi mã

09:17' - 22/06/2025
BNEWS Theo báo cáo chỉ số giá tiêu dùng tháng 5/2025, giá điện tại Mỹ đã tăng tới 4,5% so với cùng kỳ năm 2024 – một con số gần gấp đôi tỷ lệ lạm phát chung.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) thậm chí còn dự báo giá điện bán lẻ sẽ tiếp tục "vượt mặt" lạm phát cho đến năm 2026, nối tiếp xu hướng đã diễn ra từ năm 2022.

Ông David Hill, một chuyên gia năng lượng tại Trung tâm Chính sách Lưỡng đảng (BPC) và từng làm việc tại Bộ Năng lượng Mỹ, nhận định đây là câu chuyện đơn giản về cung và cầu. Theo ông David Hill, sự gia tăng nhu cầu điện cùng với việc nhiều nhà máy điện cũ ngừng hoạt động đang tạo ra áp lực lớn, trong khi tốc độ bổ sung nguồn điện mới vào lưới điện lại không theo kịp.

 
Năm 2023, mỗi hộ gia đình Mỹ chi trung bình khoảng 1.760 USD cho tiền điện. Tuy nhiên, con số này có sự chênh lệch lớn giữa các vùng. Ví dụ, vào tháng 3/2025, trong khi mức giá điện trung bình toàn quốc là 17 xu/kWh, người dân ở North Dakota chỉ phải trả khoảng 11 xu/kWh nhưng con số này lên tới 41 xu/kWh ở Hawaii.

Chuyên gia kinh tế Joe Seydl tại ngân hàng J.P. Morgan giải thích rằng giá điện được quyết định theo khu vực, khác với giá dầu mang tính toàn cầu.

EIA ước tính giá điện bán lẻ trung bình tăng 13% trong giai đoạn từ năm 2022 đến 2025, đồng nghĩa với việc hóa đơn tiền điện hàng năm của một hộ gia đình có thể tăng thêm khoảng 219 USD. Đáng chú ý, các hộ gia đình ở khu vực Thái Bình Dương có thể phải đối mặt với mức tăng giá lên đến 26%.

Bà Jennifer Curran, lãnh đạo tại nhà vận hành lưới điện Midcontinent Independent System Operator (MISO), cho biết dù tăng trưởng nhu cầu điện trong những thập kỷ gần đây ở mức tối thiểu nhờ hiệu quả năng lượng, quá trình "điện khí hóa" với sự bùng nổ của thiết bị điện tử, nhà thông minh và xe điện đã làm thay đổi cục diện.

Giờ đây, các chuyên gia cảnh báo nhu cầu điện sẽ tăng vọt trong những năm tới, và các trung tâm dữ liệu là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng đáng quan ngại này.

Theo số liệu thống kê của Bộ Năng lượng Mỹ, lượng điện sử dụng của các trung tâm dữ liệu trong thập kỷ qua đã tăng gấp ba lần lên 176 TWh tính tới năm 2023 và dự kiến sẽ tăng gấp đôi hoặc gấp ba vào năm 2028. Các trung tâm dữ liệu cũng được dự báo sẽ tiêu thụ tới 12% tổng lượng điện của Mỹ vào năm 2028, tăng từ 4,4% ghi nhận hồi năm 2023.

Thậm chí, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo đến năm 2030 Mỹ sẽ tiêu thụ nhiều điện cho xử lý dữ liệu hơn cả tổng lượng điện cho các ngành sản xuất thâm dụng năng lượng bao gồm nhôm, thép, xi măng và hóa chất.

Chuyên gia Seydl của J.P. Morgan nhấn mạnh trong khi nhu cầu điện tăng, hệ thống truyền tải và phân phối điện của Mỹ lại đang gặp vấn đề. Theo ông Seydl, giá điện tăng phần lớn do cơ sở hạ tầng đã cũ kỹ.

Về phần mình, ông Michael Cembalest, Chủ tịch chiến lược thị trường và đầu tư của J.P. Morgan Asset & Wealth Management, viết trong một báo cáo về lĩnh vực năng lượng rằng việc mở rộng đường dây truyền tải đang "bị đình trệ" và "thấp hơn nhiều" so với mục tiêu của Bộ Năng lượng cho năm 2030 và 2035.

Ngoài ra, tình trạng thiếu hụt thiết bị biến áp cũng là một trở ngại lớn, với thời gian giao hàng kéo dài từ 2-3 năm thay vì chỉ vài tuần như trước đây.

Một vấn đề đáng lo ngại hơn là một nửa số máy biến áp của Mỹ đã gần hết tuổi thọ sử dụng và cần được thay thế, cùng với việc thay thế ở những khu vực bị ảnh hưởng bởi bão, lũ lụt và cháy rừng.

Trong khi đó, theo chuyên gia Hill của BPC, các nhà máy điện cũ - đặc biệt là nhà máy chạy bằng nhiên liệu hóa thạch - đã ngừng hoạt động. Nhưng việc bổ sung công suất điện mới lại diễn ra chậm chạp. Lạm phát giá thiết bị và lao động cũng khiến chi phí xây dựng các cơ sở mới tăng đáng kể.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục