Không tiếp tay cho hành vi gian lận xuất xứ, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại
Đại biểu chất vấn về giải pháp căn cơ để đảm bảo được các tiêu chuẩn hàng hóa, nhất là tiêu chuẩn về môi trường và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại địa phương.
Theo Bộ trưởng Công Thương, hội nhập kinh tế quốc tế đã và đang là xu thế tất yếu, không thể đảo ngược. Việt Nam là một trong những quốc gia được thế giới đánh giá là hội nhập rất nhanh, được chứng minh bằng sự tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) chiếm khoảng 90% GDP của thế giới và hầu hết các nền kinh tế lớn. “Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả các FTA này, suy cho cùng vẫn là con người, phải có con người hiểu biết, có kỹ năng, nghiệp vụ thực thi thì lợi ích mới thuộc về chúng ta. Giai đoạn vừa qua, cùng với yếu kém của doanh nghiệp Việt Nam trong hội nhập, nguồn nhân lực trong lĩnh vực này từ khâu đàm phán đến khâu triển khai thực thi các hiệp định đều rất mỏng, đó là cái hổng của chúng ta”, Bộ trưởng nói. Vì vậy, người đứng đầu ngành Công Thương đề nghị, thời gian tới, mỗi ngành, mỗi địa phương đều phải có kế hoạch, chiến lược tuyển dụng, đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ, thạo về kỹ năng đàm phán và hiểu được các quy định của pháp luật nói chung, nhất là pháp luật quốc tế cũng như các hiệp định thương mại tự do. Các trường trong hệ thống giáo dục quốc dân thuộc ngành giáo dục cũng cần có kế hoạch mở những mã ngành, có chương trình tuyển sinh, chương trình đào tạo để có được đội ngũ nhân lực đủ trình độ, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Đối với trách nhiệm của ngành, Bộ trưởng cho biết sẽ tiếp tục xây dựng những chương trình bồi dưỡng, tập huấn về kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ của các ngành, các địa phương tham gia hội nhập. Để hàng hóa có chất lượng tốt cho xuất khẩu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, một trong những yêu cầu quan trọng nhất là có quy hoạch vùng, nhất là vùng sản xuất, vùng trồng, vùng nuôi; áp dụng công nghệ và hợp tác với các đối tác của nước ngoài, đặc biệt là ở giai đoạn đầu, để tiếp cận được với các thị trường và tiêu chuẩn trong quá trình sản xuất, chế biến sản phẩm xuất khẩu. * Chống lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại Nêu thực tế thời gian qua, doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với việc các nước nhập khẩu khởi xướng các cuộc điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại ngặt nghèo, đại biểu Đoàn Thị Lê An (Cao Bằng) chất vấn về quan điểm và giải pháp của Bộ Công Thương nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường nước ngoài. "Tại thị trường Việt Nam, Bộ đã và sẽ làm gì để bảo vệ doanh nghiệp trong nước?", đại biểu nêu câu hỏi. Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Công Thương cho biết, đến thời điểm này, hàng hóa của Việt Nam đã bị các đối tác nước ngoài khởi kiện 247 vụ từ 24 thị trường với rất nhiều mặt hàng. Nguyên nhân của hiện tượng này là do Việt Nam đã tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do để mở rộng gia tăng xuất khẩu (quy mô tăng lên hằng năm từ 5 đến 6%). "Năm nào chúng ta cũng xuất siêu và năm xuất siêu cao nhất là 28 tỷ USD. Vì vậy, các nước phải xem xét các biện pháp phòng vệ để bảo vệ sản xuất trong nước", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói. Ngoài ra, theo Bộ trưởng, việc tham gia chuỗi cung ứng khu vực khiến Việt Nam trở thành quốc gia thường xuyên bị điều tra chung với các nước khác, thường xuyên bị điều tra phòng vệ thương mại hoặc bị nghi ngờ chuyển tải bất hợp pháp nhằm lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đối với những nước này. Một số nước có xu hướng lạm dụng biện pháp phòng vệ thương mại để bảo hộ các ngành sản xuất trong nước quá mức cần thiết, thậm chí là sử dụng nhiều biện pháp kỹ thuật điều tra chưa phù hợp với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các thông lệ quốc tế. Vừa qua, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp hỗ trợ doanh nghiệp xử lý hiệu quả các vụ phòng vệ thương mại, đã giải quyết được rất nhiều vụ như thép, mật ong, một số sản phẩm dệt may, da giầy… Thời gian tới, các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương, địa phương cần phối hợp tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xác minh việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ, khai báo xuất xứ khi thông quan đăng ký đầu tư nước ngoài, đồng thời cung cấp cho các doanh nghiệp hoạt động tại địa phương những thông tin cần thiết để khai thác được các hiệp định. “Cân nhắc khi ban hành các chính sách có thể bị cáo buộc là chúng ta trợ cấp. Tôi nói trong lĩnh vực năng lượng chẳng hạn, đã có một vài đối tác đề cập đến giá về xăng dầu hay giá điện của chúng ta tại sao lại thấp so với khu vực và thế giới như vậy? Họ cũng đang nghi ngờ về chuyện chúng ta có trợ giá, cho nên, trong tương lai Thủ tướng đã chỉ đạo từng bước phải chuyển theo cơ chế thị trường, giá phải đảm bảo mặt bằng chung của thế giới, đảm bảo nguồn đầu vào cũng như đầu ra hợp lý”, Bộ trưởng Công Thương nêu rõ. Ông cũng nêu vấn đề cung cấp thông tin cho Bộ Công Thương đúng thời hạn trong trường hợp xử lý vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài, quản lý, giám sát các hoạt động doanh nghiệp trên địa bàn để phát hiện và ngăn chặn lẩn tránh. Đối với các hiệp hội doanh nghiệp, phải theo dõi thông tin cảnh báo sớm của Bộ Công Thương để tránh; định hướng chiến lược chung và khuyến khích các doanh nghiệp thành viên tham gia khi bị điều tra để bảo vệ lợi ích chung của cả ngành. “Tình trạng như vừa qua mạnh ai người đó chạy, doanh nghiệp gạo cứ bán được giá của mình, giải quyết vấn đề của mình, không quan tâm đến thương hiệu hạt gạo của Việt Nam, cũng không quan tâm đến lợi ích của các doanh nghiệp và người sản xuất khác, đó là không ổn”, nêu thực tế này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh phải tìm hiểu quy định pháp luật, thực tiễn điều tra, chống lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại của thị trường xuất khẩu.Mục tiêu là để có được những biện pháp phù hợp, tăng cường cạnh tranh bằng nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm, tăng cường sử dụng các nguyên liệu được sản xuất trong nước hoặc theo chuỗi khép kín. Đây cũng là khuyến cáo của các thị trường nhập khẩu.
Bên cạnh đó, triển khai hệ thống quản lý, truy xuất nguồn gốc nguyên liệu rõ ràng, minh bạch, đa dạng hóa thị trường, tìm kiếm những thị trường mới còn nhiều tiềm năng, tuân thủ chặt chẽ các quy định về chứng nhận xuất xứ, không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. Trước khi thực hiện các hợp đồng, cần phải trao đổi kỹ lưỡng với đối tác nhập khẩu để tránh rủi ro và khả năng bị điều tra phòng vệ. Khi đã bị điều tra phải liên hệ với cơ quan chức năng Bộ Công Thương, trước hết là các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp xuất khẩu hàng đi nước ngoài. Đối với doanh nghiệp trong nước, các cơ quan chức năng của Bộ Công Thương sẽ xem xét để xử lý vấn đề này. * Phát triển dịch vụ logistics Chất vấn về chi phí logictics, theo đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên), chi phí lĩnh vực này chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng giá thành, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh xuất khẩu của doanh nghiệp. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết những khó khăn trong phát triển dịch vụ logistics cũng như chi phí logistics tại Việt Nam và định hướng, giải pháp của Bộ để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu có hiệu quả hơn trong thời gian tới.Còn đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) cho hay, khi thực hiện các FTA, hàng hóa Việt Nam sẽ đối mặt nhiều hơn với các biện pháp phòng vệ thương mại, rào cản kỹ thuật phi thuế quan của các nước. Đại biểu chất vấn Bộ trưởng về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu bền vững trước mắt cũng như trong dài hạn.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, dịch vụ logistics góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu của doanh nghiệp. Nhận thức được điều đó, thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp các bộ, ngành triển khai nhiều giải pháp để phát triển dịch vụ logistics, giúp doanh nghiệp giảm chi phí, tăng năng lực cạnh tranh và đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, hoạt động này còn một số hạn chế. Đó là nhận thức về vai trò, vị trí logistics còn khác nhau dẫn đến triển khai không đồng bộ; một số quy định chồng chéo và chưa phù hợp; cơ sở hạ tầng thương mại, hạ tầng giao thông chưa được đầu tư xứng đáng. Bộ sẽ tiếp tục trình Chính phủ về chiến lược phát triển logistics trong giai đoạn tới, ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng đồng bộ, bảo đảm kết nối trong nước và quốc tế. Phát triển dịch vụ logistics gắn liền với phát huy tối đa lợi thế về địa lý và điều kiện tự nhiên của mỗi vùng. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và hội nhập quốc tế. Xây dựng đội ngũ nhân lực đủ sức đáp ứng được yêu cầu của ngành này phát triển trong tương lai. Bộ phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics xây dựng bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh, logistics cấp tỉnh. Chủ động đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực này. Thường xuyên cập nhật tình hình xuất, nhập khẩu, thông quan hàng hóa và kịp thời khuyến cáo để các địa phương, hiệp hội chủ động ứng phó và điều hành, hạn chế tình trạng ùn ứ tại các cửa khẩu và thông quan. Đẩy mạnh công tác xúc tiến phát triển thị trường, kết hợp giữa các doanh nghiệp logistics và các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu. Về lâu dài, Bộ sẽ tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền để các hiệp hội, ngành hàng, các doanh nghiệp hiểu đúng, hiểu rõ hơn những quy định của các hiệp định mà Việt Nam đã là thành viên để có thể khai thác, tận dụng cơ hội từ các hiệp định này. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu đề xuất với cấp có thẩm quyền rà soát, sửa đổi, bổ sung những quy định phù hợp với các diễn biến thực tế và kinh nghiệm của quốc tế. Để hỗ trợ các doanh nghiệp tăng tỷ trọng xuất khẩu, Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất tạo nguồn hàng chất lượng cao ổn định, giá cả cạnh tranh, thúc đẩy các doanh nghiệp FDI, đặc biệt là những doanh nghiệp lớn kết nối, chuyển giao công nghệ, kỹ năng quản trị cho doanh nghiệp trong nước để phát triển ngành này. Bộ cũng đa dạng hóa hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác các ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do và đẩy mạnh phát triển xuất khẩu qua thương mại điện tử. Tiếp tục đàm phán, ký kết các hiệp định, liên kết kinh tế mới nhằm khai mở thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Tăng cường hỗ trợ thông tin, cảnh báo và hướng dẫn doanh nghiệp ứng phó, bảo vệ lợi ích trong các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài./.Tin liên quan
-
Kinh tế Việt Nam
Thương mại điện tử ở Việt Nam đang phải đối mặt với 3 thách thức lớn
18:19' - 04/06/2024
Các nội dung liên quan đến công tác quản lý nhà nước đối với thương mại điện tử thu hút nhiều sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội.
-
Kinh tế Việt Nam
Giải pháp nào để tăng tỷ trọng xuất khẩu cho doanh nghiệp trong nước?
17:53' - 04/06/2024
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định sẽ chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp tăng nguồn hàng chất lượng cao, ổn định để cạnh tranh doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam...
-
Kinh tế Việt Nam
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV: Chất vấn và trả lời chất vấn nhịp nhàng, ăn khớp
17:50' - 04/06/2024
Chia sẻ bên lề Quốc hội với phóng viên TTXVN, các đại biểu đánh giá cao phần trả lời của các bộ trưởng, cho rằng phiên chất vấn và trả lời chất vấn rất nhịp nhàng, ăn khớp, phù hợp thực tiễn.
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Việt Nam
Chợ truyền thống và kênh bán lẻ thay đổi để tiếp cận hành vi tiêu dùng mới
15:30'
Trong bối cảnh sức mua ngày càng suy giảm, chợ truyền thống và kênh bán lẻ hiện đại phải nhanh chóng thích nghi, thay đổi cách tiếp cận với hành vi tiêu dùng mới.
-
Kinh tế Việt Nam
Tiêu dùng phục hồi thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025
15:23'
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, doanh thu bán lẻ hàng hóa 6 tháng tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy người dân có xu hướng thắt chặt tiêu dùng hàng hóa.
-
Kinh tế Việt Nam
Phó Thủ tướng Mai Văn Chính: Công tác chuẩn bị Triển lãm thành tựu đất nước phải hoàn thành trước ngày 15/8
12:53'
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, địa phương quyết tâm cao, nỗ lực lớn để triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, công việc tổ chức Triển lãm.
-
Kinh tế Việt Nam
Hà Nội sẽ khởi công 2 tuyến đường sắt đô thị trong quý IV/2025
12:17'
Việc khởi công đồng thời hai tuyến đường sắt đô thị lớn trong quý IV/2025 được kỳ vọng sẽ giảm tải áp lực giao thông lên các trục đường huyết mạch, đặc biệt trong nội đô và khu vực cửa ngõ phía Tây.
-
Kinh tế Việt Nam
Những “trụ cột” để kinh tế Khánh Hòa tăng trưởng
09:45'
Đối với phát triển kinh tế, Khánh Hòa hiện nay đứng trước những lợi thế chưa từng có, là cơ hội để đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực công nghiệp, du lịch, năng lượng, phát triển đô thị.
-
Kinh tế Việt Nam
30 năm Việt Nam gắn bó trách nhiệm, cùng ASEAN phát triển tự cường và gắn kết
09:31'
Cách đây tròn 3 thập kỷ, ngày 28/7/1995, Việt Nam chính thức được kết nạp làm thành viên thứ 7 của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
-
Kinh tế Việt Nam
Việt Nam có tiềm năng trở thành đầu tàu tăng trưởng trong ASEAN
08:31'
Việt Nam là nền kinh tế phát triển nhanh bậc nhất ASEAN, có tiềm năng trở thành đầu tàu tăng trưởng trong thập kỷ tới.
-
Kinh tế Việt Nam
Hoàn thành sửa chữa khe co giãn cầu Long Thành từ trưa 25/7
21:51' - 24/07/2025
Đến nay, công tác sửa chữa đã cơ bản hoàn thành, dự kiến hoàn trả lại mặt bằng trước 12 giờ ngày 25/7, sớm hơn 5 ngày so với kế hoạch trước đó.
-
Kinh tế Việt Nam
Vĩnh Long tháo nút thắt cho các dự án giao thông
21:33' - 24/07/2025
Tỉnh Vĩnh Long có 90 dự án được triển khai trong năm 2025; trong đó, có 29 dự án chuyển tiếp, 41 dự án dự án khởi công mới và 20 dự án chuẩn bị đầu tư, tổng kế hoạch vốn năm là hơn 5.448 tỷ đồng.