Bước tiến nhỏ cho bài toán lớn
Kết quả của cuộc đàm phán này không chỉ góp phần định hướng lại mối quan hệ thương mại song phương, mà còn có thể định đoạt số phận của nền kinh tế toàn cầu đang chao đảo trong cuộc chiến thuế quan do Washington khơi mào. Những người lạc quan nhất cũng không kỳ vọng mọi bất đồng sẽ sớm được hóa giải triệt để, song kết quả tích cực ngay từ cuộc tiếp xúc đầu tiên của phái đoàn cấp cao Mỹ và Trung Quốc đã mang
lại hy vọng tìm ra lối thoát cho căng thẳng đang đẩy trật tự thương mại thế giới tới bờ vực đổ vỡ.
Theo tuyên bố chung được đưa ra sau hơn 15 giờ đàm phán, hai nước nhất trí tạm thời giảm thuế đánh vào hàng hóa của nhau trong 90 ngày. Mỹ giảm thuế đối với hàng hóa Trung Quốc từ 145% xuống còn 30%. Đổi lại, hàng hóa Mỹ nhập khẩu vào Trung Quốc sẽ chịu thuế 10% thay vì 125% như hiện nay. Washington và Bắc Kinh cũng cam kết thành lập cơ chế để tiếp tục thảo luận về quan hệ kinh tế và thương mại.
Mức giảm thuế mà Mỹ và Trung Quốc đạt được sau cuộc gặp tại Geneva được đánh giá là bất ngờ, dù các nhà phân tích trước đó đã dự đoán nội dung đàm phán sẽ xoay quanh vấn đề thuế quan. Trước đó, tuyên bố trước thềm đàm phán của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng “mức thuế quan 80% đối với Trung Quốc có vẻ hợp lý” đã nhen nhóm hy vọng cho thị trường toàn cầu. Việc hai nền kinh tế lớn nhất thế giới nhất trí giảm thuế sâu ngay trong cuộc gặp đầu tiên sau thời gian dài vừa thể hiện thiện chí của đôi bên, vừa khẳng định rằng mức thuế 3 con số tương đương “lệnh cấm vận” và đây là tình huống “thua-thua” đối với cả Washington và Bắc Kinh.
Dù chỉ là giải pháp tạm thời, nhưng kết quả cuộc đàm phán là bước ngoặt quan trọng sau nhiều tháng căng thẳng trong quan hệ thương mại Mỹ - Trung. Những đòn "ăn miếng trả miếng" về thuế quan đã thổi bùng căng thẳng thương mại vốn âm ỉ suốt 7 năm qua, đẩy quan hệ song phương vào thế đối đầu nguy hiểm và gây ra sự đảo lộn trong thị trường và chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ông Eric Kuby, Giám đốc đầu tư tại North Star Investment Management, nhận định: "Đây là bước đi đúng hướng, cho thấy cả hai bên đều quan tâm đến việc đi đến kết luận mang tính xây dựng và phát triển mối quan hệ thương mại tốt đẹp". Theo ông, hướng đi này mang tính hợp tác nhiều hơn là đấu tranh và thị trường nên xem đây là tín hiệu tích cực. Cùng quan điểm, ông Andrew Mattock, Giám đốc danh mục đầu tư tại Matthews Asia, cũng cho rằng bất kỳ tiến triển nào từ cuộc đối thoại ban đầu đều đáng hoan nghênh. Sự tiến triển giúp Trung Quốc có thêm nguồn lực để tập trung vào các vấn đề kinh tế trong nước.
Ông Nathan Sheets từ Citigroup nhận xét các cuộc đàm phán dẫn đến thỏa thuận cho thấy rằng thuế quan cao không có lợi cho cả Mỹ và Trung Quốc. Trong khi đó, chuyên gia Jake Werner - Giám đốc Chương trình Đông Á tại Viện Quincy vì Trách nhiệm quốc gia- đánh giá các cuộc đàm phán để bắt đầu giảm leo thang cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang gia tăng là rất cần thiết và đó là một dấu hiệu tích cực cho thấy cả hai bên đã có thể vượt qua những tranh cãi.
Kết quả đàm phán tích cực vượt xa kỳ vọng sẽ tạo động lực cho kinh tế toàn cầu trong ngắn hạn, song còn quá sớm để “ăn mừng” Mỹ - Trung giải quyết thương chiến. Trong phát biểu ngay sau khi đàm phán kết thúc, giới chức Mỹ tuyên bố đã có một “thỏa thuận” để giảm thâm hụt thương mại với Trung Quốc, trong khi các đại diện từ Bắc Kinh tỏ ra thận trọng hơn khi nói hai bên đã đạt được được “sự đồng thuận quan trọng”. Dù đều thể hiện bước tiến tích cực, song ngôn ngữ khác biệt giữa Bắc Kinh và Washington có thể là chỉ dấu cho thấy quá trình đàm phán sẽ kéo dài và hai bên vẫn còn những khác biệt căn bản.
Giới quan sát vẫn bày tỏ thận trọng do chưa có cam kết cụ thể nào về việc giảm hay dỡ bỏ thuế. Điều này cho thấy sự hoài nghi về mức độ thực chất của việc giảm thuế và tác động lâu dài của động thái này. Chuyên gia Tianchen Xu, nhà kinh tế học cấp cao tại hãng nghiên cứu EIU, cho rằng nỗ lực đạt thỏa thuận toàn diện sẽ cần rất nhiều thời gian và có thể không mang lại kết quả như ý. Nguyên nhân là cả hai bên đều tỏ ra không sẵn sàng nhượng bộ các vấn đề liên quan đến ưu tiên chiến lược.
Một trong những khó khăn lớn nhất trong việc giải quyết căng thẳng thương mại là cách tiếp cận hoàn toàn khác biệt giữa hai nước. Phía Mỹ thể hiện lập trường cứng rắn về việc yêu cầu Trung Quốc thay đổi các chính sách công nghiệp, đặc biệt liên quan đến trợ cấp nhà nước và hoạt động của các doanh nghiệp quốc doanh. Washington cũng muốn Bắc Kinh có các cam kết rõ ràng và có thể kiểm chứng đối với cáo buộc về tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, cũng như kiểm soát việc xuất khẩu fentanyl – một vấn đề đang gây khủng hoảng nghiện ngập tại Mỹ. Trong khi đó, Trung Quốc lại xem các yêu cầu này là can thiệp vào chính sách nội bộ và vi phạm nguyên tắc bình đẳng trong đàm phán.
Khác biệt tư duy giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới khiến các cuộc đàm phán không chỉ đơn thuần về vấn đề thương mại mà còn mang tính chất chiến lược, thậm chí là thể hiện quyền lực và tầm ảnh hưởng. Điều này càng khiến tiến trình đàm phán trở nên phức tạp, bởi mỗi nhượng bộ đều có thể bị xem là dấu hiệu “mềm yếu” về chính trị xét trong mắt công chúng.
Một yếu tố khác tác động tới đàm phán là bối cảnh chính trị nội bộ ở cả hai nước. Tại Mỹ, chính quyền Tổng thống Trump đang đối mặt với áp lực từ giới cử tri công nghiệp và các tổ chức công đoàn vốn ủng hộ mạnh mẽ chính sách bảo hộ. Trong khi đó, Trung Quốc cũng không dễ dàng lùi bước khi phải củng cố niềm tin, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chững lại và xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng khỏi nước này ngày càng rõ rệt.
Khi Mỹ và Trung Quốc từng chỉ trích lẫn nhau gay gắt, việc quay trở lại bàn đàm phán là một tín hiệu cho thấy hai bên không muốn tình hình vượt khỏi tầm kiểm soát. Cả Washington và Bắc Kinh đều ý thức được rằng với sự phụ thuộc lẫn nhau của chuỗi cung ứng toàn cầu, sẽ không bên nào chiến thắng trong chiến tranh thương mại. Hơn nữa, vai trò dẫn dắt của hai nền kinh tế đầu tàu buộc cả hai phải kiềm chế những hành động có thể khiến hệ thống thương mại tự do toàn cầu sụp đổ. Việc Mỹ và Trung Quốc đồng ý thiết lập cơ chế tham vấn mới cũng là một bước đi mang ý nghĩa chiến lược, cho phép duy trì kênh đối thoại bất kể những biến động chính trị, qua đó giảm nguy cơ bất đồng leo thang thành xung đột lớn. Trong bối cảnh các cơ chế thương mại đa phương đang suy yếu, việc duy trì liên lạc cấp cao song phương là giải pháp thiết thực nhằm ngăn chặn các kịch bản xấu nhất.
Chưa thể khẳng định căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung đã bước vào thời kỳ hạ nhiệt. Mặc dù vậy, cuộc đàm phán thương mại tại Geneva đã đánh dấu bước tiến nhỏ nhưng mang tính biểu tượng để thu hẹp những bất đồng về mặt chiến lược giữa hai bên. Lịch sử thương mại giữa hai nước đã ghi nhận vai trò của những bước tiến nhỏ như vậy. Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 ký năm 2020 trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Trump từng bị đánh giá là mong manh và thiếu tính ràng buộc, nhưng trên thực tế đã góp phần làm dịu căng thẳng trong hơn một năm. Tương tự với thỏa thuận vừa đạt được tại Geneva, thế giới kỳ vọng sẽ có thêm thời gian để các bên đưa ra những chính sách phù hợp và chuẩn bị cho bất kỳ kịch bản nào có thể xảy ra trong tương lai.
Rất khó để kỳ vọng một thỏa thuận toàn diện giữa Mỹ và Trung Quốc, bởi sự cạnh tranh chiến lược đã ăn sâu vào cấu trúc của quan hệ song phương. Tuy nhiên, các cơ chế kiểm soát rủi ro, các cuộc tiếp xúc thường kỳ và sự minh bạch trong chính sách là những công cụ hữu hiệu để ngăn chặn cuộc chiến tranh thương mại kéo dài và lan rộng.
Cuộc đàm phán tại Geneva đã đặt nền móng quan trọng, xác lập đường ray cho một tiến trình đối thoại dài hơi giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trong thế giới ngày càng bất định hiện nay, việc duy trì các nhịp cầu đối thoại chính là điều kiện tiên quyết để tránh rơi vào vòng xoáy đối đầu không lối thoát. Kết quả tích cực của cuộc đàm phán gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng dù đối đầu, Mỹ và Trung Quốc vẫn có lợi ích chung trong việc duy trì một trật tự thương mại ổn định và có thể dự đoán.
Tin liên quan
-
Kinh tế Thế giới
Trung Quốc và Mỹ giảm mạnh thuế với hàng hóa của nhau
15:33' - 12/05/2025
Mỹ và Trung Quốc đã đạt được nhất trí về việc giảm thuế đánh vào hàng hóa của nhau sau khi phái đoàn hai nước vừa kết thúc cuộc đàm phán cấp cao 2 ngày ở Geneva, Thụy Sĩ, vào cuối tuần.
-
Kinh tế Thế giới
Mỹ và Trung Quốc nhất trí ngừng áp thuế 90 ngày
15:26' - 12/05/2025
Ngày 12/5 (theo giờ địa phương), giới chức Mỹ và Trung Quốc đã công bố một thỏa thuận mang tính đột phá, nhất trí ngừng áp thuế trong 90 ngày và cắt giảm đáng kể các mức thuế quan đối ứng.
-
Kinh tế Thế giới
Mỹ và Trung Quốc đạt tiến triển đáng kể trong đàm phán thương mại
14:23' - 12/05/2025
Mỹ và Trung Quốc sẽ công bố chi tiết về "tiến triển đáng kể" đạt được trong các cuộc đàm phán thương mại vào ngày 12/5 (giờ địa phương).
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Thế giới
Ngành rượu vang Đức lo ngại tác động tiêu cực từ thuế quan của Mỹ
21:56'
Theo phóng viên TTXVN tại Đức, các nhà sản xuất rượu vang nước này dự đoán sẽ có nhiều hậu quả tiêu cực lớn nếu Mỹ quyết định áp thuế quan đối với rượu vang nhập khẩu.
-
Kinh tế Thế giới
Nền kinh tế lớn thứ sáu thế giới tăng trưởng trì trệ
16:20'
Kinh tế Anh chỉ đạt mức tăng trưởng 0,1% trong tháng 5/2025 với sự sụt giảm cả trong hai lĩnh vực sản xuất và xây dựng.
-
Kinh tế Thế giới
Xuất khẩu của Trung Quốc có thể khởi sắc trước thời hạn Mỹ tái áp thuế
15:45'
Xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 6/2025 nhiều khả năng tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái, khi các doanh nghiệp đẩy mạnh giao hàng trước thời hạn để tránh rủi ro thuế của Mỹ.
-
Kinh tế Thế giới
Cuba đẩy mạnh sử dụng năng lượng Mặt trời trong sản xuất xì gà
14:45'
Để duy trì sản xuất xì gà, nông dân ở tỉnh miền Tây Pinar del Río đã chuyển sang sử dụng tấm pin Mặt trời để vận hành hệ thống tưới tiêu giữa cuộc khủng hoảng năng lượng.
-
Kinh tế Thế giới
Bộ Ngoại giao Mỹ lên kế hoạch cắt giảm nhân sự quy mô lớn
12:50'
Ngày 10/7, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết sẽ sớm triển khai kế hoạch cắt giảm nhân sự, sau khi Tòa án Tối cao tạo điều kiện cho đợt tinh giản biên chế hàng loạt theo đề xuất của Tổng thống Donald Trump.
-
Kinh tế Thế giới
Tổng thống Brazil tuyên bố đáp trả tương xứng nếu Mỹ áp thuế 50%
11:33'
Tổng thống Brazil mong muốn tìm ra giải pháp ngoại giao nhưng cũng tuyên bố sẽ áp thuế đáp trả tương xứng nếu Mỹ áp thuế 50% với tất cả các mặt hàng nhập khẩu từ ngày 1/8 tới đây.
-
Kinh tế Thế giới
EU rút Panama khỏi danh sách các nước có nguy cơ cao về rửa tiền
10:49'
Chính phủ Panama mới đây tuyên bố nước này đã “khôi phục được niềm tin quốc tế” sau khi được Liên minh châu Âu (EU) rút khỏi danh sách các quốc gia có nguy cơ cao về rửa tiền và tài trợ khủng bố.
-
Kinh tế Thế giới
Canada đứng trước cơ hội trở thành siêu cường năng lượng của thế giới
10:34'
Ông Chris Cooper, Giám đốc điều hành Công ty LNG Canada, nhận định chuyến hàng đầu tiên của LNG Canada đã khẳng định được dấu mốc và cơ hội của ngành khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) trong tương lai.
-
Kinh tế Thế giới
Hàn Quốc lập chiến lược thương mại – an ninh trong đàm phán
09:58'
Sau khi nhận được thư về thuế quan của Tổng thống Mỹ, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc bắt đầu xem xét "gói an ninh" toàn diện để tìm bước đột phá trong các cuộc đàm phán thuế quan với Mỹ.